MỘT NGÀY LÀM LÃNH CHÚA PHONG KIẾN NHẬT BẢN

Du khách đến thành phố cảng Odawara, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, sẽ có cơ hội sống trong lâu đài cổ, trải nghiệm một ngày làm lãnh chúa phong kiến.

Odawara là điểm đến có lịch sử hình thành phong phú, nơi định hình nên nước Nhật hiện đại ngày nay. Du khách muốn tìm hiểu nơi này có thể trải nghiệm dịch vụ trở về quá khứ, sống như lãnh chúa phong kiến Nhật Bản (daimyo) trong một ngày.

Odawara cách trung tâm 80 km, là điểm thu hút du khách nước ngoài muốn tìm hiểu lịch sử xứ mặt trời mọc. Du khách đi tàu cao tốc qua tuyến đường vàng Tokyo, Kyoto và Osaka thường xuyên dừng chân tại thành phố này. Hiện lượng khách nước ngoài ghé thăm Odawara đã vượt mức đỉnh cao cuối năm 2019. Chính phủ Nhật Bản liên tục đẩy mạnh quảng bá, khuyến khích du khách ghé thăm điểm đến ấn tượng nhưng chưa nổi tiếng trên bản đồ du lịch nước này.

Một trong những động thái thúc đẩy du lịch tại đây là sáng kiến cho du khách trải nghiệm cuộc sống làm daimyo. Du khách sẽ được sống trong lâu đài cổ, bận trang phục lãnh chúa, được phong làm chúa tể của miền. Trải nghiệm này cung cấp cho du khách cái nhìn sâu sắc về lịch sử Odawara.

Naoya Asao, người đứng đầu bộ phận xúc tiến quốc tế của Hiệp hội Du lịch Odawara, cho biết chiến dịch này được kỳ vọng sẽ đưa Odawara lên bản đồ sánh ngang với các thành phố du lịch nổi tiếng khác ở Nhật, Đồng thời khuyến khích du khách lưu trú lâu hơn thay vì chủ yếu tham quan trong ngày như trước đây.

“Odawara được coi là cửa ngõ dẫn đến các điểm đến nổi tiếng hơn, như Hakone hay bán đảo Izu. Tuy nhiên, có rất nhiều điều thú vị ở đây”, Naoya Asao nói.

Celestine, 37 tuổi, đã chọn tham gia trải nghiệm một ngày làm lãnh chúa cùng ba người bạn. Trước khi bắt đầu, những người này được hỗ trợ thay trang phục thời phong kiến. Du khách được đội ngũ chuẩn bị phục trang cho diễn viên phim cổ trang hỗ trợ mặc quần áo đúng cách.

Đầu tiên, du khách sẽ mặc bộ áo lót dài màu trắng được buộc cố định bởi thắt lưng quanh eo. Tiếp theo là chiếc quần ôm sát rộng quá đầu gối, buộc chặt qua ống chân trước khi gắn đồ giáp bảo vệ. Theo truyền thống, đồ bảo vệ được làm bằng nẹp sắt nối với áo giáp xích.

Các tay áo bọc thép riêng lẻ có thiết kế sặc sỡ được buộc lần lượt vào đúng vị trí trước khi gắn áo giáp ngực. Phần lưng và hông được cố định bởi chiếc thắt lưng rộng.

Tiếp đến là phần trang bị vũ khí. Mỗi người nhận được thanh kiếm dài hay còn gọi là katana. Đây là loại vũ khí dùng để hạ gục kẻ thù. Một loại kiếm khác ngắn hơn là wakizashi, thanh kiếm này phải được giữ nguyên trong vỏ cho đến khi chủ nhân của nó phạm tội nghiêm trọng đến mức phải thực hiện “seppuku”. Còn gọi là nghi lễ tự mổ bụng bằng, cắt thành hình chữ L.

Trang phục hoàn chỉnh của lãnh chúa còn có một chiếc mũ bảo vệ – kabuto – dáng cong, màu đen tuyền. Sau khi mặc xong trang phục, các lãnh chúa thời hiện đại bắt đầu hành trình trở về quá khứ. Hình ảnh những người nước ngoài trong trang phục của daimyo thu hút ánh nhìn tò mò từ người dân địa phương.Trên đường di chuyển đến lâu đài Odawara, lãnh chúa được chào đón bởi những người bận trang phục chiến binh thời chiến quốc, khoảng thế kỷ 15-16.

Một ngày ở trong lâu đài, du khách trong vai lãnh chúa sẽ được tìm hiểu về lịch sử và quá trình phát triển của thành phố cảng Odawara.

Nằm ở vị trí chiến lược trên vùng đồng bằng hẹp giữa vịnh Sagami và những ngọn núi dựng đứng ở chân núi Phú Sĩ, Odawara kiểm soát gần như toàn bộ giao thông đường bộ giữa cố đô Kyoto và Edo, nơi trở thành Tokyo ngày nay.

Các gia tộc khi xưa đã tranh giành quyền kiểm soát Odawara cho đến khi gia tộc Hojo biến nơi đây thành căn cứ của các lãnh địa bao phủ phần lớn khu vực ngày nay là vùng Kanto ở miền đông Nhật Bản. Lâu đài Odawara là biểu tượng tối thượng cho quyền lực và quyền lực của gia tộc Hojo trong suốt những năm 1500. Năm thế hệ của gia tộc Hojo đã biến lâu đài Odawara trở thành một trong những lâu đài đáng sợ nhất xứ mặt trời mọc và chưa từng bị tấn công trong các cuộc nội chiến thời đó.

Tuy nhiên, những thế kỷ sau đó, lâu đài bị hư hại do chiến tranh, động đất. Chính quyền Minh Trị ra lệnh phá hủy lâu đài lần cuối vào năm 1870. Mãi đến năm 1960, lâu đài năm tầng mới được xây dựng lại bằng bê tông cốt thép, các công trình lịch sử khác trong khuôn viên rộng 106 ha cũng được khôi phục lại như thời kỳ huy hoàng trước đây. Mùa xuân, nơi đây phủ kín sắc màu rực rỡ của những hàng cây anh đào ra hoa.

Rời lâu đài chính, các daimyo băng qua một con hào phòng thủ để đến ngôi nhà truyền thống của tộc ninja Fuma, đồng mình của gia tộc Hojo. Tại đây, các du khách được chào đón bởi một đội biểu diễn trống “taiko”, đàn luýt “shamisen” và sáo “shinobue” truyền thống”. Du khách cũng được xem màn trình diễn các kỹ năng của ninja huyền thoại Nhật Bản. Khu vực này còn có một bảo tàng dành riêng cho ninja, mở cửa năm 2019, thuộc khuôn viên lâu đài Odawara. Nơi đây cũng có một bảo tàng nhỏ trưng bày các báu vật địa phương, bao gồm các cuộn giấy, kimono và kiếm được bảo quản tỉ mỉ.

Sau khi tham quan, các lãnh chúa được dẫn đến tiệc chiêu đãi trên tầng năm của lâu đài. Du khách được tặng cuộn giấy có con dấu chính thức của gia tộc Hojo, uống rượu và ngắm nhìn mảnh đất Odawara yên bình.

Tầng cao nhất của lâu đài cũng là nơi có các lớp học về chánh niệm. Người tham gia được mời ngồi bắt chéo chân và lưng thẳng trên những chiếc đệm vuông trên sàn để tập trung tốt nhất vào hơi thở vào ra từ sâu trong cơ thể.

Một ngày kết thúc bằng bữa tiệc dành cho lãnh chúa tại một nhà hàng gần đó. Đường đến nhà hàng băng qua khu vườn rêu truyền thống, cây cối được cắt tỉa cẩn thận, xung quang trang trí đèn lồng bằng đá. Lãnh chúa được chào đón bởi các geisha quỳ gối và dùng bữa bên bàn sưởi irori. Bữa ăn kaiseki có nhiều món ngon như sashimi địa phương và rau núi sansai. Trong khi các lãnh chúa ăn uống và chúc mừng nhau bằng rượu sake địa phương, điệu nhảy geisha bắt đầu, ly rượu của người thưởng tiệc liên tục được rót đầy.

Tàn tiệc, các daimyo quay lại lâu đài và ngủ ở tầng trên cùng. Trời sáng, họ sẽ trở lại làm thường dân và tiếp cuộc sống thường nhật.

Trả lời