BÒ YAK – BIỂU TƯỢNG TÂY TẠNG

Vào một ngày gần cuối tháng 5, trên hành trình tour Thành Đô – Cửu Trại Câu cùng J Travel, Tôi ghé Điệp Khê Hải Tử – hay còn gọi là hồ Điệp Khê, nằm ở độ cao 2258m, được hình thành sau trận động đất 7.5 độ richter xảy ra vào năm 1933. Tuy thời gian tham quan nơi đây tương đối ngắn nhưng cảnh vật nơi đây thực sự rất đẹp cùng một điểm nhấn khác rất đáng yêu đó là được thấy và chụp hình với Bò Tây Tạng, hay còn được gọi là Yak hoặc yak-nuo – biểu tượng của vùng Tây Tạng.

Yak trong tiếng địa phương nghĩa là “báu vật“. Một con vật quý báu có thể thích ứng với điều kiện khắc nghiệt, bao gồm môi trường núi cao buốt giá, oxy loãng và điều kiện thức ăn khan hiếm.

Với những phẩm chất ấy, bò Yak cũng được ví như biểu trưng cho tinh thần mạnh mẽ của người dân Tây Tạng, hiền hòa đôn hậu, nhưng kiên cường lạc quan, vượt qua mọi nghịch cảnh, tích cực vươn lên trong cuộc sống giữa vùng cao nguyên đơn sơ giá lạnh.

Bò Yak sống ở khu vực miền núi Himalaya ở miền Nam Trung Á, đã gắn bó với con người vùng cao suốt hàng ngàn năm qua. Theo sử liệu Trung Quốc ghi lại, từ thế kỷ thứ 8 trước công nguyên, bò Yak đã được người dân bản địa thuần hóa và sử dụng làm vật nuôi phổ biến.

Bên cạnh việc làm phương tiện di chuyển, cày bừa, Bò Yak còn cung cấp sữa với hàm lượng dinh dưỡng cùng chất béo cao gấp 2 lần bò thông thường; dùng để làm bơ, phô mai, sữa chua, kẹo sữa.

Đặc biệt, trà bơ Tây Tạng pha từ bơ Yak được xem là thức uống đặc sản làm say lòng du khách khắp mọi nơi.

Bò Yak già thì có thể cung cấp thịt để làm nên những món ăn đặc sản mang đậm linh hồn Tây Tạng. Phải kể đến chính là món thịt bò Yak khô và lẩu bò Yak.

Về hình thức, Thịt bò khô Yak trông khá giống món trâu gác bếp của vùng Bắc Bộ Việt Nam. Tuy nhiên, khi ăn thịt bò khô Yak, vị tươi ngọt roi rói đọng lại ở cổ họng rất đặc trưng và không thể nhầm lẫn với bất kỳ loại bò khô nào khác.

Một số dân bản địa cũng cho biết: “Người Tạng bên cạnh lối sống lành mạnh và thiên nhiên trong lành, việc ăn thịt bò Yak cũng là một cách giúp họ có sức khỏe tráng kiện, ít khi mắc bệnh“. Phương pháp chế biến khô bò Yak cũng khá mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế.

Các tế bào máu đỏ trong thịt bò Yak cao gấp 3 lần so với những con bò bình thường, vì thế mà thịt của chúng rất ngon và bổ dưỡng. Người Tây Tạng thường cắt thịt bò thành từng dải mỏng, ướp các gia vị bản địa rồi treo thịt bò yak vào sợi dây để làm khô tự nhiên.

Cụ thể, cứ đến những ngày cuối năm, khi nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, người Tây Tạng lại mang thịt bò cắt thành từng dải, phơi ở nơi râm mát thoáng khí và để gió thổi cho khô tự nhiên. Phơi đến khoảng tháng 2, 3 năm sau là có thể ăn được.

Quá trình làm ra thành phẩm tuy khá lâu, tuy nhiên, đây là một món đặc sản phổ biến được chế biến gối đầu hằng năm nên đừng quá lo lắng nhé, cứ đến Tây Tạng du lịch và bạn có thể thưởng thức món ăn này khá dễ dàng.

Thịt bò khô Yak Tây Tạng nhắm cùng rượu lúa mạch Tây Tạng, chính là một nét chấm phá độc đáo làm say lòng bất kỳ du khách nào đặt chân tới vùng đất cao nguyên lạnh giá này, một trải nghiệm tuyệt vời không thể nào quên.

Lẩu bò Yak

Món lẩu cay cay, ngọt xương, bổ nấm với những miếng thịt bò thơm mềm khiến ai một lần thử qua mãi không thể nào quên. Bạn có thể tìm thấy vô số nhà hàng sang trọng treo biển bán lẩu bò. Ở đó có phòng ốc lịch sự, bát đĩa tô vẽ điệu đà, nước dùng cũng khá ngon miệng nhưng lại chỉ có dăm miếng thịt thái mỏng ngỡ như sắp bị gió thổi bay và giá khá đắt đỏ.

Cách khác, bạn sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời cùng món lẩu ở những quán nhỏ của người dân địa phương.

Nồi lẩu được đưa lên bàn hoành tráng như một chậu lẩu với đủ sắc màu, nhiều nhất là thịt và nấm các loại và hơi khan hiếm rau xanh. Nồi to bốc khói nghi ngút, nước ngọt thơm cay vừa đủ vị, bò được cắt dày thành từng miếng vuông vức như bao diêm mà ăn vẫn mềm. Bạn sẽ thỏa sức thưởng thức thịt bò mà không lo ba gắp là hết.

Vậy Người dân Tây Tạng nuôi bò Yak như thế nào? 

Bò Yak sinh sống ở khí hậu khắc nghiệt

Với trọng lượng của con đực gần 600kg, con cái 300kg, ngoài tự nhiên bò Yak còn nặng hơn lên tới 1000kg. Ấn tượng bởi cặp sừng to, bộ lông dày dặn phủ xuống lưng và bụng, chính vì vậy bò Yak có thể chịu khí hậu lạnh khắc nghiệt lên tới âm 40 độ C.

Nuôi bò Yak bằng cách phân chia đàn bò và phân chia đồng cỏ

Chăn thả là phương thức chăn nuôi chính khi nuôi bò Yak. Người Tây Tạng thường phân chia đàn bò theo độ tuổi, giới tính, khả năng sinh trưởng và các yếu tố khác để có thể nuôi bò một cách hiệu quả. Việc nuôi các con lớn nhỏ cùng nhau là một điều ngăn cấm, vì có thể sẽ xảy ra hiện tượng bắt nạt nhau.

Ngoài ra họ còn phân chia đồng cỏ theo sự thay đổi của thời tiết. Mùa hè thì đồng cỏ phải có độ cao nhất định, thoáng mát, nguồn nước sạch sẽ. Mùa đông thì đồng cỏ thấp hơn, có thể tránh được mưa gió.

Xây dựng chuồng trại nuôi bò

Có thể xây dựng chuồng trại nuôi bò Yak bằng các vật liệu trong tự nhiên hay thậm chí là phân bò. Tùy theo điều kiện địa phương mà xây chuồng bò cho hợp lý. Phải đảm bảo được độ bền cho bò ở.

Tăng cường quản lý thức ăn khi nuôi bò Yak

Cho bò Yak ăn bổ sung vào mùa lạnh do vào mùa này thì cỏ không đáp ứng được nhu cầu thức ăn, dinh dưỡng được. Trong quá trình cho ăn bổ sung, tùy theo tình hình thời tiết như việc có bão tuyết, thời tiết lạnh thức ăn bổ sung cần được điều chỉnh một cách hợp lý để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho sự phát triển của bò Yak.

Chăm sóc bê con

Bê con thường được cung cấp chất dinh dưỡng từ sữa mẹ. Sau hai tuần bê con có thể tự ăn thức ăn. Lúc này cho ăn ít thức ăn thô xanh, sau 3 tháng tăng dần lượng thức ăn thô xanh, sau 6 tháng nên cai sữa cho bê để đảm bảo thể trạng của bò cái. Sau khi cai sữa tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho bê con lẫn bò mẹ.

Kiểm soát dịch bệnh khi nuôi bò Yak

Tuy bò Yak có trọng lượng lớn, chịu được khí hậu lạnh khắc nghiệt nhưng chúng vẫn có thể mắc bệnh. Bò Yak phải được tiêm vắc xin hằng năm, trong quá trình nuôi bò nếu có con bị bệnh thì phải cách ly ngay và tiến hành khử trùng tiêu độc chuồng trại.

Trả lời