VĂN HÓA THỔ DÂN ÚC

Nước Úc vốn nổi tiếng với những bộ lạc, thổ dân bản địa vô cùng hoang sơ. Khác với nhiều cộng đồng cư dân khác trên thế giới, cộng đồng thổ dân Australia trong hàng chục nghìn năm đã sống biệt lập không có sự tiếp xúc với các nền văn minh lớn trên thế giới, cho tới thời điểm có mặt của thực dân Anh trên lục địa Australia. Vào thời điểm người châu Âu đến định cư – năm 1788 có tất cả 700 bộ lạc thổ dân sinh sống với nhiều ngôn ngữ và tập tục riêng biệt nhưng vẫn mang những nét chung. Cách sống của họ, luật lệ của họ, các tổ chức xã hội cũng như những phong tục của họ đã được thể hiện trong văn hoá dân gian.

1. Phương thức sản xuất

Phương thức sản xuất của thổ dân có sự khác biệt theo vị trí địa lí:

Thổ dân Kuku-Yalanji sống ở bờ biển Đông Nam bán đảo Cape York, bắc Queensland. Họ dùng những công cụ như que đào, những con thuyền, những đồ xách bằng gỗ hay bằng dây, những đồ để cắt, chặt đá… để sinh sống.

Thổ dân Barikindji và Wiradjuri sống trong lưu vực sông Murray – Darling. Họ sống phụ thuộc vào những con sông, phương thức sản xuất chủ yếu là đánh bắt cá, sò hến và các loài thuỷ sản. Họ đánh bắt bằng những cái giáo bốn lưỡi, bằng lưới và ở một vài nơi họ dùng bẫy bắt cá.

Thổ dân Warlpuri sống ở vùng khô cằn trung tâm Australia lại sinh sống dựa vào săn bắt và hái lượm. Nguồn lương thực chủ yếu của họ là các loài có vú nhỏ, thằn lằn, cá, các loại hạt và thảo mộc. Họ săn bắt thú vật bằng giáo, phóng lao, ném gậy, đặt bẫy và dùng lửa. Phụ nữ hái lượm một loại cây như khoai lang, cà chua dại, chuối sa mạc, đó là những thức ăn chủ yếu của thổ dân ở sa mạc.

Thổ dân biết cách dùng lửa để đốt sạch các loại cỏ, cây bụi và cây to đã quá già cỗi. Họ còn bóc vỏ cây để làm thuyền, làm nơi trú ẩn; họ dùng dùi gỗ, búa bằng đá để đào đá lửa, đất son… rồi chạm khắc, vẽ trên đá những truyền thuyết, tín ngưỡng, tôn giáo hay các sự việc diễn ra trong đời sống hàng ngày của họ; họ còn biết cách điều chỉnh dòng nước để bẫy cá.

Săn bắn dường như là trách nhiệm, là bổn phận của những người đàn ông. Đối với các loài thú lớn như đà điểu, kanguru, khi đi săn, họ phải dùng dây thòng lọng, giáo mác, boomerang hay chuỳ. Ngoài ra, họ còn bẫy vịt bằng cách lùa chúng vào những cái lưới giăng ngang dòng sông.

Hái lượm: phụ nữ và trẻ em là những người có nhiệm vụ tìm kiếm và hái lượm thức ăn. Họ biết cách phân biệt các loại rễ cây và côn trùng có thể ăn được. Ngoài việc hái lượm, ở nhiều nơi, họ còn gieo trồng và thu hoạch các loại thân củ. Phụ nữ cũng thường chế bẫy để bẫy chuột, thằn lằn và những con thú nhỏ khác hoặc đi nhặt trứng của những loài chim sống ở dưới nước. Ngoài ra, họ còn có nhiệm vụ đi lấy nước, lấy củi, chuẩn bị các bữa ăn, may vá quần áo, chế tạo công cụ lao động, đồ dùng.

Vũ khí và công cụ của thổ dân: thổ dân đã chế tạo ra nhiều loại đồ dùng, hàng hoá khác nhau từ vỏ cây, đá và da thú. Tuy nhiên, những sản phẩm do thổ dân miền hoang mạc tạo ra không giống với những sản phẩm của thổ dân miền biển (rìu, dao, búa, lưỡi câu, cái nạo, que đào, bình nước, thuyền, lưới đánh cá, túi da thú, quần áo, nơi trú ẩn…). Các loại vũ khí như giáo mác, boomerang và chuỳ đều được làm bằng gỗ. Họ còn dùng những mẩu xương được mài nhọn và những phiến đá được mài mỏng cột chặt vào đầu ngọn giáo để tấn công các loài thú lớn.

2. Xã hội thổ dân

Xã hội thổ dân được tổ chức theo cha truyền con nối, nam giới có quyền quyết định và kiểm soát. Có điều chắc chắn rằng, tại phần lớn Australia, các bộ lạc đều không có tù trưởng, nhưng những ông già là người lưu giữ những kiến thức thần bí và nghi lễ chính, họ cũng là người giải thích những điều “luật” mà các vị tổ tiên đã định ra.

Khoảng 6 tuổi, các bé trai đã được cho đi săn cùng với người lớn. Đến tuổi trưởng thành, chúng phải trải qua một buổi lễ “kết nạp” trước khi bắt đầu một quá trình lâu dài được truyền thụ những kiến thức cần thiết, những bài học về lịch sử, về tôn giáo, về luật lệ cũng như cách thức săn bắn của bộ lạc. Nhiều nghi lễ truyền thống được tổ chức với các hoạt động nhảy múa, ca hát… nhằm mục đích cầu cho mưa thuận gió hoà, thực phẩm phong phú… Trung tâm của các buổi lễ là những thiếu niên đến tuổi trưởng thành. Phụ nữ ít khi được phép tham gia những lễ hội này.

Trong truyền thống của thổ dân, ngôn ngữ không chỉ được quan niệm như di sản của những nhóm người. Họ cho rằng ngôn ngữ của họ có ngay từ thuở khai thiên lập địa.

Những thần Tổ cung cấp những ngôn ngữ nhất định cho họ và họ có quyền chiếm dụng ngôn ngữ theo những nguyên tắc của luật thổ dân. Nói chung, họ thừa kế ngôn ngữ của ông cha như cách thừa kế những quyền về đất đai.

Đa số thổ dân ở tuổi thành niên nói hai hoặc nhiều ngôn ngữ, có khi bốn, năm, hoặc hơn nữa, vì có những quan hệ chồng chéo với những gia đình ở những vùng gần gũi. Những người thuộc những nhóm ngôn ngữ khác nhau, luôn luôn sống cùng nhau, có xu hướng nói những ngôn ngữ của nhau, chứ không phải tất cả mọi người đều nói cùng một ngôn ngữ.

Ngôn ngữ thổ dân rất đa dạng. Người ta biết tới hơn 200 ngôn ngữ Australia có thể xác định về văn phạm, từ vựng và 500 loại thổ ngữ khác thường được gọi bằng những tên khác nhau, được người thổ dân thừa nhận trong thời thuộc địa. Những phương ngữ (địa phương) có thể lên tới con số mấy ngàn vào giữa thế kỉ XIX. Trong văn hoá cổ truyền của thổ dân không có chữ viết. Việc sử dụng chữ Latinh để diễn tả những âm thổ dân được đưa vào những trường học của thổ dân một cách tuần tự và vá víu từ giữa thế kỉ XIX, mới đầu là với những người truyền giáo và từ những năm 1970, với sự ủng hộ của chính phủ qua một vài trường ở xa. Kết quả là có một số người viết được tiếng của mình, vì ngôn ngữ thì nhiều nhưng số người nói mỗi ngôn ngữ thì lại ít, và vì đa số thổ dân lại không coi trọng việc giao lưu với nhau bằng chữ viết. Những ngôn ngữ của thổ dân ngày càng bị mất dần. Trong 200 năm, con số 500 ngôn ngữ mà thổ dân công nhận đã tàn lụi, hiện nay chỉ còn một nhóm người nói thôi mà những người này cũng thiếu hiểu biết về tiếng họ nói. Khi người châu Âu bắt đầu cuộc chinh phạt, dân số thổ dân có khoảng mấy trăm ngàn, đến năm 1900 chỉ còn 80.000. Từ lâu việc sử dụng những ngôn ngữ thổ dân đã bị phế bỏ trong nhiều trường và thường bị những người da trắng coi khinh ở những nơi công cộng.

3. Văn học dân gian

Truyện cổ của thổ dân Australia là một trong những kho tàng văn học dân gian cực kì lí thú của nhân loại.

Vị trí trung tâm trong sáng tác văn học dân gian của thổ dân Australia là những truyện thần thoại mà ở đó, cốt truyện là những hoạt động của con người thời tiền sử hay “thời Mơ Mộng” (Dream Time) như cách gọi của họ. Thời Mơ Mộng này không được các thổ dân Australia lí tưởng hoá mà lại được mô tả như thời kì tạo lập ra vũ trụ, ra muôn loài và vạn vật (như truyện Tạo ra con ngời; Tạo ra lửa; Tạo ra mặt trời; Sao mai Mulliam-ga; Sự tích cá sấu; Thần chớp Namaruđu; Những cuộc chu du kì diệu của Varrunna; Thiên nga đen; Tình yêu của bảy chàng Berei- Berei…). Những anh hùng thần thoại của thổ dân Australia không phải là các vị thần cao siêu mà chủ yếu là các vị tổ mang tính vật tổ (tô tem), như truyện Vị thần tổ tiên Ngurunderi; hay nguồn gốc các bộ lạc, như truyện Vi – Umbin và Piggi – Billa… mà các vị tổ này lại thường mang hai mặt: vừa là người vừa là vật và dễ dàng chuyển đổi hình thức tồn tại của mình từ dạng này sang dạng khác (truyện Lễ Bora vĩ đại của pháp sư Baiame; Pháp sư Kangooru – Bora đuổi bóng tối; Pháp sư gọi ma;…).

Trong thần thoại của thổ dân Australia, ta thường gặp công thức mở đầu: “Câu chuyện xảy ra vào thuở khi mà các loài chim thú còn là người” và công thức kết thúc: “Các vị tổ đó biến từ người thành vật”.

Một trong những mảng khá quan trọng trong văn học dân gian thổ dân Australia là truyện cổ tích. Thổ dân Australia cho rằng “cổ tích” không mang trong mình ý nghĩa “thiêng” như thần thoại và được kể để mua vui cho những người bình thường nghe, qua đó giữ họ vào khuôn phép của luật tục (Chàng nhện bị bắt cóc; Điginboia – con chim chiến binh; Con cú xám tí hon Irin; Địa ngục của những linh hồn ác; Những cuộc phiêu lưu của Balalngu;…). Vì thế mà “cổ tích” chừng nào đó cũng là “thần thoại” nhưng là “thần thoại” cho người bình thường. Đây là nét đặc trưng rất “Australia”. Ngay cả những câu chuyện kể về những con vật khác nhau (như truyện Những con chim ngực đỏ; Những con chim bồ câu có mào; ảo ảnh của thằn lằn; Cái chết của con chim ác là ngực đen; Vũ điệu Brolga; Rắn khổng lồ Babbur; Thú mỏ vịt Gaia- Đari; Rùa Vaiamba; Kì đà và rắn đen; Pháp sư quạ; Bồ nông Gulai-Ali; ếch sứ giả; Bầy chó của Balu; Vẹt Gala và thằn lằn Ula; Nhím và rùa; Diều hâu tí hon lấy trộm được lửa;… thì những hình tượng và tình tiết cũng có những mối quan hệ rất chặt với những khái niệm thần thoại tô tem. Có thể nói, các mô típ thần thoại và những khái niệm tô tem (vật tổ) đóng một vai trò rất lớn trong văn học dân gian của thổ dân Australia, như truyện Con ếch đá. Thế như- ng, bên cạnh đó, trong thần thoại và cổ tích của thổ dân Australia, không thiếu những tưởng tượng hấp dẫn về mặt tình tiết cũng như những bức tranh sinh động về những nhân vật hay hình tượng phi huyền thoại.

Lịch sử thổ dân là lịch sử truyền miệng. Những câu chuyện được ghi nhớ lâu đời, được kể lại quanh các lửa trại và các điệu múa. Chúng kể về việc hình thành sự sống, về Chúa trời, về cách mà các đất nước được tạo thành.

4. Nghệ thuật hội hoạ

Thổ dân Australia đã tạo ra những bức vẽ độc đáo biểu lộ năng khiếu thẩm mĩ cao, với óc tưởng tượng đặc biệt phong phú. “Hội hoạ thổ dân” khởi phát từ niềm tin cha truyền con nối vào những huyền thoại bí ẩn về cuộc sáng thế, về tổ tiên xa xưa, những sinh vật khổng lồ nửa người nửa thú đã tạo ra núi, đồi, sông, suối với cỏ cây, cầm thú muôn loài.

Hầu hết “hoạ sĩ” của bộ lạc là đàn ông. Hình thái nghệ thuật của họ gồm có vẽ, chạm khắc trên đá hay vỏ cây với những công cụ, vật liệu thường được sử dụng là đá, rìu, đất son… Qua các tác phẩm nghệ thuật, họ ghi lại hình ảnh của những buổi lễ tôn giáo, những cảnh quan tự nhiên hay những biến cố xảy ra trong đời sống hàng ngày.

Nghệ thuật của thổ dân Australia thể hiện ở ba loại hình: chạm trổ, điêu khắc và hội hoạ (vẽ tranh hay trang trí).

Tài năng chạm trổ của nghệ sĩ thổ dân thể hiện qua cách trang trí những khiên mộc, những chiếc boomerang(boomerang: vũ khí quăng ném thông dụng của thổ dân Australia, làm bằng thanh gỗ cứng, dẹt, hình chữ V doãng, nếu không trúng con mồi lại tự bay về điểm xuất phát), những thanh lao nhọn, cũng như trên các đồ thờ bằng gỗ, bằng đá, hoặc hình trang trí thân cây, vách đá, mặt đất nơi bãi tế lễ. Tại vùng bờ biển phía đông và đông nam, ta gặp những hình phức tạp cực đẹp khắc lên khiên mộc gỗ. Vùng tây bắc có những trang trí tinh xảo trên các tấm gỗ thờ và những họa tiết khắc trên vỏ trai, với nhiều hình triện hồi văn gấp khúc, giống như trên bình gốm Hi Lạp thời cổ. Tại vùng hoang mạc ở trung tâm lục địa, hình khắc trên các đồ vật tế lễ có phần đơn giản hơn. Đó là những mô típ giản dị nhưng đầy tính trực cảm hồn nhiên, không chút gò bó.

Trang trí Boomerang

Nghệ thuật gọt đẽo tượng nhỏ và nặn hình người, hình muông thú, dàn rộng trên khắp châu lục nhưng phân bố không đều và phát triển hơn cả là dọc theo bờ biển phía bắc. ở Cap York cũng như Arnhem Land, người ta tạc bằng gỗ những pho tượng đầu người hay cả người, biểu tượng nhân vật huyền thoại thuở sáng thế, hoặc nhân vật đời thường. Vùng tây Arnhem có những tượng đầu người nặn khéo léo bằng đất son hay đất sét. Tượng đầu người tại vùng tây bắc châu lục thường đục chạm bằng gỗ hay đá, khá nhiều về số lượng, với vẻ đẹp không thua kém các tác phẩm vùng Arnhem Land. Điêu khắc miền Nam có lẽ chỉ còn lại hai tiêu bản lưu trong bảo tàng: một hình đầu người gọt trên đầu mái chèo ngắn và một mặt ng- ười khắc trên chiếc chậu gỗ.

Tuy nhiên, loại hình nghệ thuật đặc sắc nhất của thổ dân Australia vẫn là nghệ thuật vẽ màu, đậm tính đồ hoạ, biểu hiện đời sống tinh thần và mĩ cảm phong phú nhất. Từ cách trang trí đồ thờ, hoạ tiết kỷ hà trên các loại vũ khí hay công cụ lao động, tới những bức vẽ lớn trên mặt đất vào mùa tế lễ vật tổ, các ghi chép bí ẩn trên các cột mồ, hay cả những hình vẽ sặc sỡ trên mình các vũ công trong tang lễ nhảy múa ngoạn mục trên đảo Melville… tất cả đều tôn vinh vai trò của nhà hoạ sĩ bản địa.

Các bức tranh đá thường được thể hiện trên vách núi lộ thiên hay vách hang không sâu, hoặc các điểm trú ngụ dưới vòm mái đá. Điều đáng ngạc nhiên là, thể loại tranh này không thấy xuất hiện tại vùng Đông Nam châu lục và trên đảo lớn Tasmania, nơi mà vách đá rất thích hợp cho mục đích trên.

5. Nghệ thuật trình diễn

Trong thời Mơ Mộng của thổ dân, những sinh hoạt văn nghệ dân gian, hội hè, lễ lạt mang tính chất chung của bộ lạc bắt đầu xuất hiện. Hầu như bộ lạc thổ dân nào cũng có lễ hội. Lễ hội của thổ dân và dân đảo Torres Strait thể hiện sự phong phú và đa dạng của văn hoá bản địa vẫn còn tồn tại trên đất nước Australia ngày nay: lễ hội Garma (vùng lãnh thổ phía bắc); lễ hội văn hoá Torres Strait (bang Queensland); lễ hội Ground Stompem (vùng phía tây Australia); lễ hội Larapuna (bang Tasmania)…

Lễ hội Garma được diễn ra ở Gulkula, vùng đất Nanydjaka (hay còn gọi là Cape Arnhem) là một khu bảo vệ bản địa ở bờ biển Arafura (thuộc vùng lãnh thổ phía bắc Australia). Người Yolngu (yol-ngoo) ở vùng đông bắc Arnhem có một trong những văn hoá cổ xưa nhất trên trái đất. Lễ hội Garma là một lễ hội tôn vinh những di sản được củng cố bằng triết lí chia sẻ kiến thức và văn hoá, lễ hội của sự gắn với thông điệp của đất. Bunggul (boong-gool) nghĩa là trình diễn, là phần nổi bật nhất của lễ hội, là một bức tranh liên hoàn về một nền văn hoá gắn chặt với vùng đất này. Từ những nốt nhạc trầm lắng đầu tiên của tiếng yidaki (nhạc cụ didgeridoo) báo hiệu lễ hội bắt đầu, người xem được nhắc nhở rằng họ là một phần của lễ hội Garma. Người hát dẫn của bộ tộc Rirratjingu cất tiếng hát làm nền cho các nghệ sĩ bắt đầu trình diễn. Mỗi một tiết mục đều chậm rãi chuyển động từ khu rừng bạch đàn về đến sân khấu, trên nền âm nhạc của tiếng bộ gõ Bilma, điệu hát Manikay và tiếng nhạc cụ Yidaki.

Lễ hội thổ dân Úc

Lễ hội văn hoá Torres Strai được tổ chức hàng năm tại đảo Thứ Năm. Dân quần đảo Torres Strait tôn vinh di sản văn hoá độc nhất vô nhị của họ bằng một lễ hội thể hiện tình yêu với biển và với những hòn đảo nơi đây. Kể từ khi tới những hòn

đảo này vài vạn năm về trước, dân đảo Torres Strait đã phát triển và gìn giữ những phong cách âm nhạc và vũ điệu thể hiện rõ sự gắn bó sâu sắc với nơi họ đang sống. Nhảy múa vẫn là hình thức phổ biến nhất để thể hiện văn hoá với cuộc ganh đua vui vẻ giữa các nhóm dân đảo và các nhóm totem. Tiếng trống, nhịp chân từ các vũ điệu, tiếng lách cách của bộ lắc, tất cả hoà quyện vào nhau, nhắc nhở các nghệ sĩ và khán giả về sự đa dạng và sức mạnh của di sản độc đáo từ các địa phương. Một số trang phục và khăn đội đầu của các nghệ sĩ múa rất độc đáo, được coi là vật dụng linh thiêng. Chỉ khi được phép của những “chủ nhân” truyền thống thì các trang phục này mới được sử dụng. Điều này được truyền lại từ các ông tổ linh thiêng theo luật riêng của đảo.

Lễ hội văn hóa Torres Strai

Sức sống của văn hoá thổ dân thể hiện rất rõ nét qua nghệ thuật hội hoạ, âm nhạc và trình diễn, thể hiện trong các điệu múa corobooree cổ xưa.

`Vì tiếng hát không thể tách khỏi nhảy múa, nên nhạc, múa, lời ca đã tạo thành một tổng thể của hoạt động nghệ thuật gắn liền với sinh hoạt hằng ngày như lao động, vui chơi, nghi lễ, phong tục của thổ dân.

Trả lời